Trong quá trình sử dụng, nếu không may làm đổ keo 502 (keo con voi) lên trên bề mặt các món đồ bằng gỗ, bạn có thể xử lý theo 4 cách hướng dẫn dưới đây để loại bỏ các vết bám cứng đầu, gây mất thẩm mỹ này.
Cách 1: Sử dụng nước nóng và khăn
Với cách này, bạn tìm một chiếc khăn sạch, đặt lên vị trí bị dính keo, sau đó nhẹ nhàng đổ nước nóng lên trên bề mặt khăn và lau mạnh dần để loại bỏ lớp keo đang bám chắc. Bạn có thể lặp lại nhiều lần cho tới khi keo được loại bỏ hết. Trường hợp vết keo quá dày thì có thể sử dụng giấy nhám để mài cho mỏng lớp keo đó cho tới khi còn một lớp mỏng trên bề mặt mới tiến hành theo cách này.
Cách 2: Sử dụng máy sấy tóc
Để thực hiện theo cách này, chúng ta sẽ cắm máy sấy tóc cho nóng rồi hơ lên bề mặt bị bám keo, điều này sẽ làm cho keo bay hơi do áp lực của nhiệt độ cao. Bạn có thể điều chỉnh mức nhiệt cho tăng dần lên và quan sát thật kỹ để không phương hại đến bề mặt gỗ, đồng thời có thể tẩy sạch keo. Khi thấy keo đã bở ra, lấy khăn khô lau bớt rồi tiếp tục dùng máy sấy để hơ nóng. Với cách này thì bạn nên lưu ý là không để máy quá gần vì sẽ dễ làm hư mất bề mặt gỗ.
Cách 3: Sử dụng dung môi Aceton
Aceton là dung dịch mà chị em phụ nữ hay sử dụng để tẩy sơn móng tay. Lấy dung môi này nhỏ trực tiếp lên vết keo hoặc là nhúng vào khăn sạch lau lên để làm mềm keo, sau đó dùng miếng nhựa mỏng hoặc thẻ ATM/tín dụng cũ cạo nhẹ đẩy keo ra khỏi bề mặt gỗ, lặp lại vài lần cho tới khi bề mặt sạch hoàn toàn.
Cách 4: Sử dụng đá khô
Cách này được áp dụng dựa trên nguyên tắc vật lý là làm cho keo lạnh giòn sau đó tác động lực bằng cách gõ/ đập/cạo nhẹ cho bong keo ra khỏi bề mặt gỗ. Sử dụng đá khô để tẩy vết keo 502 là phương pháp ngược lại với cách dùng nhiệt từ máy sấy tóc nhưng vẫn đem lại hiệu quả rất tốt.
Trong trường hợp vết keo quá nặng, bạn có thể kết hợp nhiều cách lại với nhau để tẩy sạch hoàn toàn vết keo một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra khi tiến hành, để đảm bảo an toàn, sức khỏe, nên sử dụng các công cụ bảo hộ như đeo kính mắt, găng tay, khẩu trang bởi với phương pháp sử dụng đá khô có nhiệt độ rất thấp có thể làm bỏng lạnh, trong khi aceton là hóa chất độc hại cho mắt, mũi…
Riêng với các sản phẩm đồ gỗ trên bề mặt đã được phủ vecni, sơn… thì dung môi aceton có thể làm hư hại bề mặt, cho nên bạn không nên áp dụng cách này. Để chắc chắn thì nên thử áp dụng ở bề mặt khuất trước khi làm thật ở mặt tiền để tránh hư hại. Khi sử dụng phương pháp làm sạch bằng đá khô thì không nên lưu trữ đá trong thùng/hộp kín hơi vì quá trình bay hơi và làm lạnh khiến thoát khí CO2 ra và có thể gây nổ thùng chứa.